“Hỏi đá xanh rêu bao nhiêu tuổi đời” là một câu hát trong ca khúc Lệ đá của cố nhạc sĩ Trần Trịnh, được đông đảo người nghe nhạc đón nhận và yêu thích. Với giai điệu mượt mà, man mác buồn cùng lời ca gần gũi, sâu lắng, Lệ đá vẫn luôn là ca khúc có sức lan tỏa vượt thời gian. Vậy bạn có tò mò về ca khúc đã từ rất lâu này không? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.
Mục Lục
1. Hoàn cảnh sáng tác ca khúc Lệ đá
Lệ đá là một ca khúc thơ phổ nhạc nổi tiếng đầu thập niên 70, là nhạc phẩm có hoàn cảnh sáng tác khá đặc biệt. Bài hát này cũng có 3 lời khác nhau chứ không chỉ có 1 lời như người nghe nhạc thường thấy. Lệ đá được nhạc sĩ Trần Trịnh sáng tác trước và thi sĩ Hà Huyền chi là người viết lời sau. Sự hòa quyện giữa lời ca và nét nhạc giúp ca khúc thu hút được rất nhiều sự chú ý từ các ca sĩ, thính giả từ các thế hệ xưa và cả thế hệ ngày nay.
Hà Huyền Chi và Trần Trịnh biết đến nhau qua sự giới thiệu của nhạc công Nguyễn Văn Đông. Khi ấy, ba người cùng nhau lên đài phát thanh Quân đội và Trần Trịnh đã ngẫu hứng chơi một đoạn nhạc piano. Thi sĩ Hà Huyền Chi cũng phải ngạc nhiên vì không hiểu sao đã ưa ngay âm hưởng “buồn ngất ngây dịu nhẹ, rất Pianissimo” ấy.
Sau khi nhất trí để cho ra nhạc phẩm, mọi người đều thống nhất với nhau ghi dưới các nốt nhạc chữ “o” cho những từ không dấu, dấu huyền cho các từ mang dấu huyền, hỏi, nặng và dấu sắc ghi chú cho các từ mang dấu sắc, ngã.
Thi sĩ Hà Huyền Chi cũng tiếc rằng thời đó chưa có cassette để ghi lại giai điệu bản nhạc. Ông bắt đầu tập trung vào âm hưởng của bản nhạc và bắt đầu đặt lời cho giai điệu có sẵn hay còn được ông gọi vui là “chơi ô chữ”. Tất cả mọi người đều “mừng rỡ tới sững hồn”, cùng hân hoan hát Lệ đá trong niềm vui.
Chính cảm xúc cao trào đã thôi thục Hà Huyền Chi viết luôn 2 lời cho ca khúc. Thậm chí thi sĩ cũng chia sẻ rằng, trong cái nắng gay gắt dưới mái tôn của quán cơm lính, ông vừa viết lời vừa khóc, bỏ dở bữa ăn và đem 2 lời bài hát lên đài phát thanh Quân đội.
Khi ấy ông gặp Nhật Trường trước phòng ghi âm và Nhật Trường cũng hân hoan hát Lệ đá, vội vàng muốn nhạc sĩ Trần Trịnh soạn cấp kỳ hòa âm cho ban nhạc và 2 bản khác cho ca sĩ Mai Hương, Như Thủy. Chỉ sau nửa giờ, 3 ca sĩ Nhật Trường, Mai Hương, Thu Thủy với 3 bản Lệ đá trên tay đã say mê hòa ca và hoàn chỉnh ngay từ lần thứ nhất.
Cũng từ đó, ca khúc Lệ đá đã vang lên thường xuyên tại các phòng trà, tiệm nhảy, quán cà phê, thậm chí là phim ảnh.
Có thể thấy Lệ đá vốn là một bản nhạc không lời trong phút ngẫu hứng của nhạc sĩ Trần Trịnh. Những ca khúc nhạc phổ thơ đã quá quen thuộc trong nền âm nhạc nhưng ở chiều ngược lại thơ phổ nhạc thì ít xuất hiện hơn bởi người đặt lời khó có thể cảm nhận được tâm tư của người chơi bản nhạc không lời đó.
2. Lời bài hát Lệ đá
Hỏi đá xanh rêu bao nhiêu tuổi đời, hỏi gió phiêu du qua bao đỉnh trời, hỏi những đêm sâu đèn vàng héo hắt
Ái ân bây giờ là nước mắt, cuối hồ là thoáng nhớ mong manh
Thuở ấy tôi như con chim lạc đàn, xoải cánh cô đơn bay trong chiều vàng và ước mơ sao trời dừng bão tố
Để yêu thương càng nhiều gắn bó, tháng ngày là men say nguồn thơ
Tình yêu đã vỗ cánh rồi, là hoa rót mật cho đời; chắt chiu kỷ niệm dĩ vãng, em nhớ gì không em ơi
Màu áo thiên thanh thơ ngây ngày nào, chìm khuất trong mưa mưa bay bay dạt dào
Đọc lá thư xưa một trời luyến tiếc; nhớ môi em và màu mắt biếc, suối hẹn hò trăng xanh đầu non.
3. Những câu chuyện xoay quanh Lệ đá
Bài hát với lời mở đầu “Hỏi đá xanh rêu bao nhiêu tuổi đời” đã được rất nhiều ca sĩ trình diễn và những người yêu nhạc vô cùng thích thú, đón nhận bài hát với những lời tán dương không ngớt.
Năm 1971, đạo diễn Võ Doãn Châu đã quay một cuốn phim dựa trên cốt truyện ngắn Đại Úy Trường Kỳ của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn với tựa đề là Lệ đá. Ông đã mua bản quyền ca khúc cùng tên và đưa vào trong phim với sự góp giọng của ca sĩ của Khánh Ly.
Năm 1971, bộ phim đã đoạt giải thưởng nghệ thuật và góp phần đưa ca khúc Lệ đá càng đến gần hơn với khán giả.
Dù ca khúc có tới 3 bản lời nhưng người hâm mộ vẫn luôn yêu thích lời ca 1 hơn cả bởi cái đầu tiên luôn là dấu ấn mạnh mẽ nhất.
Lời kết
Ca khúc Lệ đá ra đời đã từ rất lâu nhưng đến giờ những câu hát mở đầu “Hỏi đá xanh rêu bao nhiêu tuổi đời” hay điệp khúc “Tình yêu đã vỗ cánh rồi…” vẫn là giai điệu quen thuộc đối với nhiều người mỗi khi nhắc về một cuộc tình bị chia xa. Đây là một trong những tác phẩm thành công điển hình cho sự giao duyên ăn ý giữa nhạc sĩ đặt giai điệu và thi sĩ viết lời.